Nội dung bài viết
1. Định nghĩa Defi và Cefi
1.1 Defi là gì?
Có phải trước giờ bạn đã quen sử dụng các ứng dụng chuyển tiền được quản lý bởi tổ chức, chính phủ như là các ngân hàng, ứng dụng momo/paypal? Vậy thì bây giờ mình sẽ nói rằng mọi người trên thế giới bắt đầu sử dụng các ứng dụng tài chính không bị quản lý bởi ai cả! Các ứng dụng ấy nằm trong thị trường tài chính phi tập trung gọi là Defi – Decentralized Finance!
Defi – là một từ viết tắt của Decentralized Finance, hay còn gọi là tài chính phi tập trung, DeFi loại bỏ trung gian trong các giao dịch tài chính, người dùng có thể giao dịch toàn cầu mà không cần ngân hàng hay nhân viên.
Trong nền tài chính phi tập trung (Defi), tất cả cá nhân đều có thể tự tra soát giao dịch bất kỳ, trái ngược với tài chính tập trung – nơi mà công ty/ ngân hàng nắm giữ và quản lý sổ cái.
Nhờ việc phi tập trung mà các ứng dụng DeFi được phát triển nhanh chóng, trên phạm vi toàn thế giới, mà hầu như không có bất kỳ rào cản nào. DeFi được bắt nguồn từ blockchain – công nghệ đứng sau các đồng tiền kỹ thuật số, cũng chính vì vậy mà DeFi tồn tại và mở rộng nhờ nâng cao ứng dụng thực tế của Blockchain.
Thay vì chỉ là những giao dịch thông thường, nay đã phát triển với những đóng góp giúp nền tài chính trở nên minh bạch, nhiều sản phẩm đa dạng, giúp tối ưu nguồn vốn trên toàn thế giới,…
1.2 Vậy Cefi là gì?
CeFi (Centralized Finance) là thị trường tài chính tập trung, được sở hữu và quản lý bởi chính phủ, các công ty, tổ chức tài chính. Với bất kỳ giao dịch nào trong CeFi, các công ty/tổ chức đều có thể tra soát giao dịch, những thông tin cá nhân của người giao dịch, số lượng tiền,…đều bị quản lý và có thể chịu chi phối của chính phủ.
Cefi đã có sự thay đổi và tiến bộ cả về mặt công nghệ lẫn dịch vụ rất nhiều. Ví dụ như ngày xưa CeFi thường chỉ áp dụng trên giấy tờ, hoặc lệ thuộc rất nhiều vào nhân lực để hoạt động, gây ra những rào cản về mặt giờ giấc, địa lý… Thì bây giờ CeFi đã có sự đóng góp thêm từ Fintech – những công ty áp dụng công nghệ trong tài chính, xóa bỏ khuyết điểm của tài chính truyền thống, ứng dụng phần mềm, máy móc vào việc thực hiện các dịch vụ tài chính.
Nhưng Cefi dù áp dụng công nghệ thì vẫn là thị trường tập trung, và kể cả Binance, Coinbase cũng là Cefi (chỉ khác ở đây là áp dụng cho Crypto).
2. Tại sao DeFi lại quan trọng? Sự khác biệt giữa DeFi & CeFi
Về bản chất thị trường tài chính là nơi diễn ra các dịch vụ xoay quanh dòng tiền, với những sản phẩm nhằm mục đích luân chuyển dòng vốn trong thị trường.
Ở thị trường tài chính truyền thống, chúng ta sẽ thấy đứng đầu là quỹ tiền tệ quốc tế, các ngân hàng trung ương của các nước quản lý tiền tệ cho quốc gia đó. Các ngân hàng nhà nước quản lý việc phát hành tiền, sử dụng chính sách và công cụ để phần nào ổn định nền kinh tế (ví dụ như FED áp dụng tăng/giảm lãi suất,…)
Sau đó là các công ty và những dịch vụ tài chính khác như: các ngân hàng thương mại, thị trường chứng khoán, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ thanh toán chuyển tiền trong và ngoài quốc gia, các công ty tài chính khác,… (tham khảo hình dưới).
Ở thị trường Defi – tài chính phi tập trung, chúng ta sẽ loại bỏ vai trò trung gian của các công ty và các ngân hàng trung ương. Nhưng những dịch vụ tài chính thì vẫn đa dạng và đáp ứng đủ các nhu cầu như chuyển tiền xuyên quốc gia, thanh toán, vay, cho vay,…

Thị trường tài chính truyền thống có thể hoạt động mà không cần đến máy móc, thời xưa khi chưa có máy tính và điện thoại, mỗi người phải tới ngân hàng để làm việc với nhân viên, và các nhân viên lại ghi chép, lưu trữ data trên giấy tờ,…
Ngược lại, thị trường Defi không thể hoạt động mà không cần đến máy móc và công nghệ, mình sẽ giải thích ở dưới đây
Blockchain: Defi là ứng dụng của blockchain. Blockchain là cốt lõi chính của việc phi tập trung, dễ mở rộng, giao dịch nhanh, không qua trung gian, không ai nắm giữ cơ sở dữ liệu, không bị cấm cản giao dịch,…
Protocols: giao thức, hay còn gọi là quy luật để hệ thống vận hành, thường thực hiện qua smart contract.
Smart contract hay được gọi là “hợp đồng thông minh”, nghe hơi trừu tượng nhưng bạn có thể hiểu đó là “hợp đồng tự thực hiện”, nó đóng vai trò để đảm bảo nếu A xảy ra thì B sẽ xảy ra mà không cần trung gian, ví dụ như khi bạn bỏ vào máy bán hàng 10K thì máy sẽ nhả ra cho bạn 1 lon coca.
Assets: Coin, token, fiat Stable coin, crypto stable coin (USDC – DAI), và mình dùng những đồng stable coin để làm vật ngang giá, thực hiện các giao dịch, mua bán crypto. Nếu như thị trường tài chính truyền thống cần tiền fiat như USD, VND,…thì crypto cũng cần USDC, DAI, USDT, BUSD,…
Application: chính là những ứng dụng cung cấp các dịch vụ tài chính, đáp ứng nhu cầu như chuyển tiền, vay, cho vay, trading, bảo hiểm…và những ứng dụng khác vẫn được “đẻ thêm” hàng ngày nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
=> tất cả những hoạt động này vẫn được diễn ra hàng ngày mà không có bất kỳ một bên thứ 3 trung gian nào, mà được thực hiện thông qua “quy luật” từ những protocols và nằm trên blockchain.

Một sự thật bạn cần biết đó là các sàn giao dịch Binance, Coinbase,…là ứng dụng tài chính tập trung – Cefi, có điều khác đó là họ ứng dụng dành cho thị trường crypto, không bị quản lý bởi ngân hàng trung ương, không sử dụng tiền cho chính phủ phát hành.
Nếu như so sánh thì có thể xem Binance, Coinbase giống như sàn giao dịch NYSE, Nasdaq…dành cho thị trường crypto.
Các mã chứng khoán như Apple, Amazone,… giao dịch trên Nasdaq thì ta có các token của những công ty crypto giao dịch trên Binance, Coinbase (tuy nhiên token crypto không phải chứng khoán? Điều này đã dẫn đến một trong số vụ kiện đình đám như Ripple – SEC)
3. Đặc điểm của DeFi
Dễ tiếp cận
Nếu như ngân hàng hoặc các ứng dụng tài chính tập trung thường chỉ hỗ trợ ở một số khu vực và vùng lãnh thổ nhất định, người dùng DeFi có thể dễ dàng truy cập vào nền tảng ở bất cứ đâu có kết nối internet.
Khả năng tương tác
Tương tác là khi hai hệ thống khác nhau có thể thực hiện các lệnh trao đổi giá trị. Trong thế giới blockchain, các nền tảng DeFi có thể tương tác với nhau một cách an toàn và nhanh chóng.
Tính riêng tư
Do không phải tạo account và thực hiện KYC như các nền tảng tập trung, người dùng có thể sử dụng DeFi mà không cần phải xác minh danh tính.
Tính minh bạch
Do được vận hành trên nền tảng của blockchain, tất cả các thông tin giao dịch đều được ghi một cách công khai và minh bạch trên chuỗi khối. Bất kỳ ai cũng có thể truy xuất thông tin bằng cách sử dụng một số phần mềm chuyên dụng.
Tính công bằng
DeFi có thể đảm bảo quyền truy cập đơn giản và nhanh chóng cho mọi cá nhân, không phân biệt giàu nghèo hay giai cấp. Trong khi đó, các dịch vụ CeFi thường đánh vào các đối tượng khách hàng khác nhau.
4. Các thành phần của DeFi
Decentralized Stablecoins
Stablecoin phi tập trung là các đồng coin thuật toán được ổn định giá trị bằng cách thế chấp tiền điện tử, fiat (tiền do chính phủ phát hành) hoặc các loại tài sản khác. Thông thường, các stablecoin thường được peg (Peg là gì?) với giá của USD, đồng tiền chung được sử dụng phổ biến nhất thế giới, theo tỷ lệ 1:1.
Decentralized Lending and Borrowing
Vay và cho vay phi tập trung được xây dựng nhằm mục đích cung cấp các dịch vụ vay hoặc cho vay tiền điện tử mà không cần đến một bên thứ ba. Người vay có thể tiếp cận đến các khoản vay bằng cách thế chấp tài sản. Trong khi đó, người cho vay có thể nhận được tiền lãi theo lãi suất nhất định.
Decentralized Exchanges (DEX)
Sàn giao dịch phi tập trung (DEX) là nền tảng trao đổi ngang hàng P2P kết nối người mua và người bán tiền điện tử. DEX hoạt động dựa trên các hợp đồng thông minh được xây dựng trên một hoặc nhiều blockchain khác nhau.
Decentralized Derivatives
Các công cụ phái sinh phi tập trung có cách hoạt động gần như tương tự các công cụ phái sinh truyền thống. Tuy nhiên, chúng khác nhau ở chỗ công cụ phái sinh phi tập trung không yêu cầu một bên thứ ba làm môi giới. Chúng hoạt động nhờ vào các điều khoản được thiết lập sẵn trên hợp đồng thông minh.
Liquidity Mining
Khai thác thanh khoản là một chiến lược đầu tư trong đó người dùng có thể tham gia đóng góp tài sản cho các giao thức DeFi để giúp người khác có thể dễ dàng giao dịch hơn. Đổi lại, họ sẽ nhận thưởng bằng một phần phí giao dịch hoặc token do nền tảng đó phát hành.
Decentralized Insurance – Bảo hiểm phi tập trung
Các giải pháp bảo hiểm phi tập trung cũng được phát triển với mục đích tương tự như bảo hiểm truyền thống nhưng mang các đặc điểm đặc trưng riêng của phi tập trung.
Decentralized Oracles
Oracle phi tập trung hay mạng lưới oracle phi tập trung là một hoặc một nhóm các nhà cung cấp dữ liệu bên thứ ba chịu trách nhiệm thu thập và cung cấp các dữ liệu ngoài blockchain (off-chain) vào trong thế giới blockchain (on-chain).
Synthetic Assets
Tài sản tổng hợp là các công cụ phải sinh được mã hóa. Khác với các công cụ phái sinh truyền thống như cổ phiếu hoặc trái phiếu, tài sản tổng hợp được thực hiện trên các bản ghi trên blockchain, về cơ bản là tạo một token cho riêng nó.
5. Ứng dụng của tài chính phi tập trung. Ví dụ minh họa so sánh DeFi và CeFi
Cefi thì có thể liên quan đến crypto hoặc không liên quan đến crypto, Cefi có thể bao gồm cả những tổ chức truyền thống như ngân hàng, cho đến các công ty fintech như momo, paypal, hoặc những công ty crypto như Binance, Coinbase.
Tất cả đều có điểm chung là họ quản lý danh tính, dữ liệu các giao dịch.
Nhưng Defi thì hầu như đều liên quan đến crypto, áp dụng công nghệ blockchain và minh bạch trong các giao dịch,…
Mình sẽ vẽ một chiếc bảng phân biệt các ứng dụng Defi, Cefi, điểm tương đồng, khác biệt, và ví dụ một số ứng dụng ở bảng dưới đây:

6. DeFi coin là gì? Tiêu chí lựa chọn Defi coin tiềm năng
DeFi coin là tiền điện tử nền tảng của hệ sinh thái phi tập trung, ví dụ Pancake swap thì có đồng CAKE, Uniswap thì có đồng UNI. Chúng được sử dụng chủ yếu trong các dApp chạy trên hợp đồng thông minh để tạo điều kiện cho các giao dịch khác nhau. Nhìn chung, bạn có thể coi DeFi coin là một dạng tiền tệ trên một nền tảng DeFi nhất định. DeFi coin được dùng để phục vụ một số mục đích khác nhau như phí giao dịch, quản trị,…
Để chọn được DeFi coin tiềm năng, nhà đầu tư cần xem xét một số tiêu chỉ như sau:
Khả năng tiếp cận với nhiều loại dịch vụ: Loại tiền điện tử có thể thực hiện được nhiều dịch vụ khác nhau một lúc như staking, saving, chơi game hay quản trị thường có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai.
Cập nhật tốt xu thế công nghệ: Công nghệ blockchain đang phát triển nhanh chóng từng ngày. Do đó, một DeFi coin tốt là đồng coin cập nhật nhanh xu hướng công nghệ để mang lại nhiều lợi ích cho người dùng cũng như tăng khả năng bảo mật.
Sự ổn định: Đặc điểm của thị trường tiền điện tử là sự biến động lớn về giá. Nhà đầu tư có thể lãi to trong thời gian ngắn nhưng cũng có thể lỗ nặng sau một số sự kiện bất lợi. Trong đầu tư, bảo toàn vốn là yếu tố hàng đầu. Do đó, nhà đầu tư nên chọn những DeFi coin có sự ổn định tương đối tốt so với mặt bằng chung của thị trường.
Giải pháp cho những vấn đề đang gặp phải của thế giới blockchain: Mỗi dự án DeFi đều là một mảnh ghép trong hệ sinh thái. Tuy nhiên, nếu dự án DeFi mang lại những giải pháp đặc biệt, có tiềm năng thay đổi “cuộc chơi” thì DeFi coin đó sẽ là đối tượng đầu tư mà không ai muốn bỏ lỡ.
7. Tiềm năng của DeFi 2022
Năm 2022 có thể xem là một năm khó khăn với thị trường tiền điện tử với sự sụt giảm nghiêm trọng của các đồng coin top như Bitcoin hoặc Ethereum. Các đồng coin khác cũng chịu chung số phận khi Bitcoin có lúc đã giảm giá 9 tuần liên tục. Tuy nhiên, chúng ta có thể coi năm 2022 là năm của sự chuyển mình. Có lẽ việc không quá quan tâm đến giá đã giúp các nhà phát triển tập trung nhiều hơn vào yếu tố công nghệ.
Tổng giá trị tài sản trong các nền tảng DeFi năm nay đã đạt hơn 100 tỷ USD và dường như con số này chưa muốn dừng lại ở đó khi có nhiều công ty khởi nghiệp, tổ chức tài chính truyền thống và nhà đầu tư đang muốn tham gia vào thị trường crypto. Tháng 9 này, Ethereum theo kế hoạch cũng sẽ chuyển đổi thuật toán đồng thuận từ Proof of Work (PoW) sang Proof of Stake (PoS) để giải quyết các vấn đề liên quan đến tốc độ xử lý, phí giao dịch và khả năng mở rộng. Do đó, chúng ta có lý do để tin rằng DeFi sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong năm nay.
8. Rủi ro của các dự án DeFi
Sự không ổn định
Tính bất ổn, đặc biệt là về giá trị, là đặc điểm chung của thị trường tiền điện tử. Khi những sự kiện bất lợi xảy ra, người dùng thường có xu hướng rút tiền hàng loạt ra khỏi các nền tảng DeFi và bán tháo chúng trên thị trường để bảo toàn vốn, gây ảnh hưởng xấu đến tính thanh khoản và sự phát triển bền vững của DeFi.
Khả năng mở rộng
Tùy thuộc vào ứng dụng DeFi được xây dựng trên nền tảng blockchain nào, nó sẽ tận dụng được thế mạnh và phải khắc phục điểm yếu của blockchain đó. Hiện nay, hầu hết các ứng dụng phi tập trung đa số được phát triển trên nền tảng Ethereum. Vì thế, các dự án này phải đối mặt với khó khăn chung của mạng Ethereum, trong đó có khả năng mở rộng kém.
Các vấn đề của Smart Contract
Sự phát triển của các hợp đồng thông minh đòi hỏi nhà phát triển phải có một mức độ cẩn thận và có kiến thức nhất định. Đặc biệt hơn, blockchain là mảng chưa được đào tạo chính quy và việc “copy – paste” các dòng code đang ngày càng trở nên phổ biến.
Một khi hợp đồng thông minh hoạt động lỗi, hầu hết chúng đều không thể sửa được vì các giao thức quản trị thường yêu cầu người dùng bỏ phiếu trước khi có thể thực hiện bất kỳ thay đổi nào. Việc này mất rất nhiều thời gian nên đôi khi sẽ khiến lỗ hỏng trở nên quá lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất tiền của nhà đầu tư.
Ngoài ra, công nghệ này vẫn còn chưa được hoàn thiện và sẽ có rất nhiều tình huống không lường trước được có thể xảy ra. Sự phụ thuộc của các hợp đồng thông minh vào dữ liệu off-chain cũng liên tục đặt ra các thử thách lớn cho những nhà phát triển.
Tính thanh khoản thấp
Thế giới tài chính hoạt động dựa trên tính thanh khoản, không riêng gì thị trường truyền thống hay tiền điện tử. Không có thanh khoản, các giao dịch sẽ bị đình trệ. Với hàng nghìn nền tảng DeFi đang hoạt động trong thế giới blockchain, cũng sẽ có nhiều dự án không duy trì được khả năng thanh khoản đủ lớn để giải quyết nhu cầu của người dùng. Nếu nhà đầu tư trót rót tiền vào các dự án như vậy, khả năng lấy lại số tiền của mình sẽ không cao.
Khả năng tương tác thấp
Các hệ thống DeFi thường có khả năng tương tác với các hệ thống khác không cao. Nhược điểm này cũng đang dần được hoàn thiện khi các ứng dụng DeFi hiện này thường có xu hướng liên kết với nhau để người dùng có thể sử dụng nhiều chức năng trong hệ sinh thái. Nhưng nó thường chỉ giới hạn trong việc tương tác trên cùng một blockchain.
Tập trung hóa
Mặc dù các nền tảng DeFi hoạt động một cách phi tập trung. Nhưng những sự kiện lớn liên tục diễn ra, như Celcius hay Terra, đã phơi bày mặt tối về quyền kiểm soát “tập trung” của các nền tảng đối với tiền đầu tư của người dùng vẫn còn quá lớn. Do đó, người dùng cần phải tìm hiểu tài sản mà họ đầu tư sẽ được các dự án sử dụng như thế nào trước khi xuống tiền.
Trách nhiệm của bạn
Tốc độ phát triển nhanh chóng về công nghệ khiến người dùng, chủ yếu là người dùng mới và người dùng không thường xuyên, xảy ra sai sót trong quá trình lưu trữ tài sản và giao dịch. Người dùng phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ tài sản điện tử của mình trước các sai sót và mối nguy tiềm ẩn.
9. Lựa chọn Defi hay Cefi
Vậy đâu là yếu tố để bạn quyết định nên chọn Defi hay Cefi? Mỗi nền tảng đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng, ở đây mình đã kẻ bảng để bạn dễ so sánh.
Tuy nhiên, các trader trong thị trường crypto theo như mình quan sát thì họ tham gia vào cả Cefi lẫn Defi, thường thì Cefi sẽ là nơi họ trade với những lệnh được đặt tự động, hoặc khi cần nạp thêm tiền – rút tiền về tài khoản ngân hàng.
Tuy nhiên, Defi lại thường là nơi để họ trade những token với market cap khi còn bé, và tìm kiếm cơ hội với lợi nhuận kèm rủi ro cao.

Nếu như bạn là người mới gia nhập thị trường, mình thường có lời khuyên bạn tham gia và Cefi trước, để hiểu hơn về crypto và nếu có sai sót trong các giao dịch, sàn có thể hỗ trợ bạn.
Hy vọng thông qua bài phân tích này, bạn có thể tìm được đáp án phù hợp với mình, nên chọn tham gia Defi hay Cefi.
10. Câu hỏi thường gặp về DeFi
DeFi có phải trò lừa đảo không?
Câu trả lời tất nhiên là không. Tuy nhiên, do sự phát triển bùng nổ trong thời gian gần đây, có rất nhiều kẻ lừa đảo đang lợi dụng mảnh đất màu mỡ này để trục lợi với các hình thức thường thấy như: rug pull, lừa đảo qua mạng xã hội hay phishing. Người dùng cần cẩn thận với các chiêu trò trên để tránh thiệt hại về tài sản.
Làm sao để đầu tư coin trên DeFi?
Để sở hữu những đồng coin ưa thích, người dùng có thể chọn mua chúng trên các sàn giao dịch tập trung (CEX) hoặc sàn giao dịch phi tập trung (DEX), tùy thuộc vào chúng được mua bán trên sàn nào. Để thực hiện giao dịch, bạn có thể thực hiện những bước sau:
Sàn giao dịch tập trung (CEX): Đầu tiên bạn cần tạo cho mình một tài khoản bằng cách đăng ký email và password. Sau đó tiến hành KYC theo các bước yêu cầu của sàn giao dịch. Cuối cùng, bạn chỉ cần nạp tiền và có thể mua được đồng coin của mình yêu thích.
Sàn giao dịch phi tập trung (DEX): DEX không yêu cầu người dùng phải tạo tài khoản. Vì vậy, bạn chỉ cần sở hữu một ví tiền điện tử, MetaMask hoặc TrustWallet chẳng hạn. Tiếp theo, bạn cần tìm hiểu xem loại coin mình muốn mua được giao dịch trên nền tảng nào, theo cặp giao dịch nào. Bạn cần chuẩn bị số tiền điện tử tương ứng và một ít phí gas là có thể thực hiện giao dịch.
Làm sao để có thể kiếm tiền trên DeFi?
Cách đơn giản nhất để kiếm tiền trên DeFi là sử dụng các dịch vụ như staking, farming hay liquidity mining để nhận phần thưởng. Hình thức này tương tự như gửi tiết kiệm ở ngân hàng truyền thống. Phần thưởng ít hay nhiều phụ thuộc vào APY/APR cao hay thấp, nhưng thông thường lãi suất sẽ cao hơn đáng kể so với gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Ethereum 2.0 có tác động DeFi không?
Ethereum 2.0 là một bản nâng cấp rất được mong đợi và theo kế hoạch sẽ triển khai vào tháng 9 năm 2022. Ethereum 2.0 được kỳ vọng sẽ khắc phục các nhược điểm hiện đang tồn tại trên Ethereum 1.0 như: phí giao dịch cao, tốc độ xử lý giao dịch chậm, khả năng mở rộng kém và thường xuyên tắc nghẽn mạng.
Ethereum 2.0 sẽ thay đổi cơ chế đồng thuận từ Proof of Work sang Proof of Stake. Điều này dẫn đến sự thay đổi trong cách vận hành của các dự án: từ “đào coin” chuyển sang “stake coin” để nhận phần thưởng. Ngoài ra, với tốc độ xử lý lên đến 100.000 TPS, Ethereum 2.0 sẽ cho phép các nền tảng DeFi giảm chi phí hoạt động, đồng thời cấp quyền để người dùng truy cập nhanh hơn vào các sản phẩm cũng như dịch vụ.
Tính thanh khoản trên DeFi có cao không?
Trong thị trường DeFi, tính thanh khoản thường được đánh giá thông qua chỉ số TVL (total locked value). Tính đến tháng 4 năm 2022, TVL trong toàn bộ hệ thống DeFi đạt 222 tỷ đô la. Con số này vào đầu năm 2020 chỉ là 100 tỷ đô la. Như vậy, TVL đã được cải thiện đáng kể nên người dùng có thể yên tâm về tính thanh khoản của DeFi.
11. DeFi có phải là tương lai của thị trường tài chính tiền tệ?
Theo các bạn liệu Defi có trở thành xu hướng trong tương lai không? Cá nhân mình nhận thấy ngày càng có rất nhiều dự án Defi được xây dựng, nhưng cũng có nhiều dự án lụi tàn dù có lớn đến đâu (Ví dụ Luna – USDT).
Trước một số rủi ro của Defi, có lẽ tính pháp lý của mô hình này cần được bổ sung để bảo vệ nhà đầu tư, ví dụ như các sàn defi được kiểm định tốt hơn, đó là lúc Defi và Cefi có thể cùng tồn tại song song.
Thị trường Defi có thể phát triển đến đâu? Điều này còn phù thuộc vào việc user cảm thấy các dự án có hữu dụng không, đem lại lợi ích gì cho họ? Nhưng nhiều người vẫn tin rằng các dự án Defi chính là tương lai, nếu như trước đây ở Việt Nam bạn cực kỳ khó để mua chứng khoán Mỹ, nhưng với Defi – bạn có thể đầu tư vào bất kỳ công ty crypto nào mà bạn mong muốn.
Có lẽ thời gian sẽ thanh lọc tất cả, và điều gì đem lại cơ hội, tồn tại tiềm năng, sẽ phát triển rất nhanh, những ai biết nắm bắt và chấp nhận rủi ro, những chú chim tới sớm, biết đâu sẽ giành được phần thưởng xứng đáng. Bạn nghĩ thế nào?
Disclaimer:
Bài viết chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin, không phải lời khuyên đầu tư.Với mục đích giúp bạn dễ hiểu, bài viết đã không được viết theo cách học thuật, cũng không dùng từ ngữ cao siêu hay truyền tải quá nhiều kiến thức vĩ mô. Nếu có thiếu sót mong các bạn thông cảm.
Join the Defi Learn community:
Website | Twitter | Tiktok | Youtube | Facebook