Ethereum Merge là sự kiện chuỗi khối Ethereum chuyển từ cơ chế đồng thuận Proof of Work (PoW) sang cơ chế đồng thuận Proof of Stake (PoS) nhằm mục đích tăng tốc độ xử lý giao dịch và thân thiện hơn với môi trường.
Tuy nhiên, việc thay đổi cơ chế đồng thuận của một blockchain không hề đơn giản và phải trải qua nhiều bước phức tạp. Mỗi bước đều phải được đánh giá kỹ lưỡng trước khi tiến hành.
Nội dung bài viết
Proof of Stake là gì?
Proof of Stake là một cơ chế đồng thuận trong đó người dùng cần phải stake một lượng token nhất định để giành quyền được chọn ngẫu nhiên thành validator thay vì sử dụng sức mạnh tính toán như Proof of Work. Validator có khả năng “đào” hoặc xác thực một khối mới.
Các khối có thể được xác thực bởi nhiều validator và khi validator cụ thể đã xác minh rằng khối mới là chính xác, khối sẽ được hoàn thiện và kết thúc.
Các cơ chế PoS khác nhau có thể sử dụng các phương pháp khác nhau để xác thực khối. Khi Ethereum chuyển sang PoS, nó sẽ sử dụng chuỗi phân đoạn (shard) để thực hiện giao dịch.
Validator sẽ xác minh các giao dịch và thêm chúng vào một khối phân đoạn, và khối này cần ít nhất 128 validator để xác thực. Khi các khối phân đoạn đã được xác thực và tạo khối mới, 2/3 số validator phải đồng ý rằng giao dịch hợp lệ thì mới có thể kết quá trình.
Riêng đối với Ethereum, để đủ điều kiện làm validator, người dùng phải stake tối thiểu là 32 ETH. Tuy nhiên, những người dùng nhỏ lẻ nếu muốn tham gia có thể stake ETH thông qua bên thứ 3 để nhận phần thưởng.
Proof of Stake vs Proof of Work

Proof of Stake |
Proof of Work |
· Người tạo khối được gọi là validator
· Người dùng phải stake coin để tranh slot làm validator · Validator nhận được coin như phần thưởng và phí xác thực một block mới · Yêu cầu phần cứng thấp · Hiệu quả về năng lượng · Khả năng mở rộng cao · Blockchain có thể bị tấn công khi có một validator/ nhóm validator sở hữu 51% số lượng coin đã staked trở lên. |
· Người tạo khối gọi là thợ đào
· Thợ đào phải trang bị máy tính có sức mạnh tính toán lớn để đào coin · Thợ đào nhận được coin như phần thưởng xác thực một block mới · Yêu cầu phần cứng cao · Tiêu tốn năng lượng lớn · Khả năng mở rộng kém · Blockchain có thể bị tấn công khi có một thợ đào/ nhóm thợ đào kiểm soát 51% hashrate trở lên. |
Điểm qua về sự kiện Ethereum Merge
Từ những bài viết đầu tiên, Vitalik Buterin, nhà đồng sáng lập Ethereum, đã có những ý tưởng cho việc chuyển đổi từ PoW sang PoS. So với PoW vốn đã và đang sử dụng nhiều tài nguyên, Ethereum được dự đoán sẽ giảm tiêu thụ năng lượng mạng đến 99,95% nếu chuyển sang PoS.
Việc chuyển đổi sang PoS cũng là nền tảng để sử dụng chuỗi phân đoạn vào năm 2023, nó sẽ góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn dữ liệu, giảm phí gas và hỗ trợ hệ thống mở rộng layer-2. Chuỗi phân đoạn cũng cung cấp các lớp lưu trữ bổ sung với chi phí thấp hơn cho các ứng dụng.
Không giống như các tiêu chuẩn ERC hoặc các công ty truyền thống nơi mà các thay đổi được quyết định từ lãnh đạo cấp cao, bất kỳ thay đổi lớn nào về giao thức cốt lõi của Ethereum đều yêu cầu sự đồng thuận toàn cầu từ tất cả các node.
Do đó, quá trình thực hiện các bản cập nhật sẽ tương đối mất thời gian vì phải được thực hiện một cách cẩn thận và đều đặn dựa trên một số yếu tố cốt lõi: Beacon Chain, Ethereum Merge và chuỗi phân đoạn. Các yếu tố này hoạt động bổ trợ lẫn nhau, giúp Ethereum tăng khả năng mở rộng, bảo mật và phát triển bền vững hơn.
Theo kế hoạch, Buterin sẽ tiến hành sự kiện Ethereum Merge vào tháng 8 năm nay. Đây là lúc Beacon Chain (chuỗi khối kiểm soát PoS) được đưa vào hoạt động, đánh dấu sự chuyển đổi chính thức của mạng Ethereum sang PoS.
Vai trò của Beacon Chain và sự kiện Ethereum Merge
Để tăng số lượng validator và xử lý giao dịch bằng PoS, mạng chính của Ethereum (hiện vẫn đang dùng PoW) cần tiến hành hợp nhất với Beacon Chain.
Beacon Chain đã được vận hành song song với mạng chính kể từ ngày 1 tháng 12 năm 2020 và hiện có hơn 375.000 validator đang hoạt động. Nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho các đợt nâng cấp tiếp theo của chuỗi phân đoạn.

Mặc dù theo kế hoạch, chuỗi phân đoạn sẽ được ưu tiên phát triển trước khi hợp nhất với mạng chính. Nhưng kế hoạch ban đầu đã thay đổi do sự phát triển nhanh chóng của các hệ thống mở rộng layer-2 như Arbitrum, Optimism và Loopring. Vì vậy, hầu hết cộng đồng validator đều thống nhất ưu tiên cho Ethereum Merge và chuyển đổi sang PoS.
Khác hard fork của The DAO vào năm 2016, sự kiện diễn ra sau khi 3,6 triệu ETH bị hack dẫn đến việc tách ra chuỗi khối Ethereum Classic, Ethereum sẽ tiếp tục sử dụng một blockchain duy nhất sau Ethereum Merge. Về bản chất, toàn bộ chuỗi khối Ethereum PoW sẽ trở thành chuỗi Ethereum PoS.
Việc hợp nhất sẽ không ảnh hưởng đến các lớp dữ liệu của Ethereum nên sẽ không có giao dịch nào bị mất trong quá trình chuyển đổi. Tuy nhiên, các thợ đào sẽ không còn có thể đào ETH theo quy trình cũ mà phải stake ETH để trở thành validator.
Điều gì xảy ra sau Ethereum Merge
Mục tiêu của Ethereum Merge là thúc đẩy việc thay đổi từ cơ chế đồng thuận PoW sang PoS. Để đẩy nhanh quá trình, các nhà phát triển đang làm việc để giảm bớt các tính năng có thể gây chậm trễ và tạm thời hạn chế khả năng rút ETH sau khi đã stake. Tuy nhiên, những vấn đề này có thể được khắc phục trong bản cập nhật “cleanup” tiếp theo.
Mặc dù Ethereum Merge sẽ không giải quyết ngay lập tức các hạn chế về khả năng mở rộng của mạng cũ, nhưng nó sẽ là bước đầu để đưa chuỗi phân đoạn và mạng PoS vào hoạt động với đầy đủ chức năng.
Thông qua việc nâng cấp thông lượng dữ liệu mạng lên 64 blockchains, chuỗi phân đoạn cung cấp thêm các lớp chi phí thấp để phát triển ứng dụng và lưu trữ dữ liệu. Chúng cũng cho phép các hệ thống layer-2 hoạt động với phí giao dịch thấp trong khi vẫn hưởng lợi từ khả năng bảo mật của mạng chính Ethereum.
Kết luận
Ethereum Merge là một sự kiện quan trọng, được chờ đón từ cả cộng đồng tiền điện tử. Việc chuyển đổi thuật toán đồng thuận từ PoW sang PoS sẽ giúp Ethereum giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến vận hành cũng như giảm sử dụng tài nguyên. Từ đó giúp Ethereum trở thành dự án tiền điện tử thân thiện hơn với môi trường.
Join the Defi Learn community:
Website | Twitter | Tiktok | Youtube | Facebook