
Sàn tập trung (CEX) là một loại hình sàn giao dịch quen thuộc đã hoạt động từ lâu đời trong thị trường đầu tư truyền thống. Trong thị trường tiền điện tử, sàn tập trung cũng đóng vai trò rất quan trọng khi xử lý đến 95% số lượng giao dịch trên thị trường. Vậy sàn tập trung (CEX) là gì? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Nội dung bài viết
Sàn tập trung (CEX) là gì?
Centralized exchange hay sàn tập trung là các sàn giao dịch tiền điện tử được thành lập và điều hành bởi các tổ chức tập trung nhằm kiểm soát quyền sở hữu của sàn giao dịch. Tổ chức tập trung này đóng vai trò trung gian giữa người mua và người bán.
Phương thức hoạt động của CEX nhìn chung tương tự như các ngân hàng truyền thống. Trước khi tiến hành giao dịch, bạn phải gửi tiền điện tử của mình vào ví trung tâm của sàn tập trung. Ví này nằm trong sự kiểm soát của tổ chức quản lý. Các sàn tập trung cũng được thiết kế để lập hồ sơ và thực hiện các giao dịch tiền điện tử trên hệ thống nội bộ. Một số sàn giao dịch lớn trên thế giới có thể kể đến như Binance, Coinbase Exchange, FTX,…
Đọc thêm: HƯỚNG DẪN GIAO DỊCH TRÊN SÀN PHI TẬP TRUNG (DEX)
Ưu và nhược điểm của sàn tập trung (CEX)
Ưu điểm
- Bảo vệ người dùng: Tiền điện tử là một thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro mất tài sản đối với người dùng. Các nhà đầu tư thường có xu hướng tìm kiếm một bên trung gian uy tín để bảo vệ mình trước các rủi ro trên. Và sàn tập trung thường là lựa chọn hàng đầu. Các CEX được chọn thường là các công ty hoặc tổ chức có trụ sở và được chính phủ quản lý.
- Khách hàng tổ chức có thể sử dụng dịch vụ: Có một số tổ chức muốn đầu tư vào tiền điện tử để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Tuy nhiên, điều này tương đối khó thực hiện vì luật của họ yêu cầu chỉ được giao dịch với các bên có uy tín. Trong trường hợp này, sàn tập trung đóng vai trò rất quan trọng vì chúng cung cấp cơ chế để các tổ chức tài chính truyền thống có thể lấn sân vào thị trường tiền điện tử.
- Dịch vụ đa dạng: CEX cung cấp một số dịch vụ thiết yếu cho thị trường tiền điện tử. Ngoài giao dịch tiền điện tử, CEX còn có các khóa training cho người dùng, dịch vụ giám sát, lưu trữ, gửi tiết kiệm,… Một số sàn tập trung thậm chí còn cung cấp dịch vụ lưu trữ ngoại tuyến bằng các phần cứng được thiết kế đặc biệt. Những dịch vụ này hướng tới đối tượng là những nhà đầu tư lớn, luôn đặt sự an toàn của tài sản lên hàng đầu.
- Bảo hiểm: Các sàn tập trung đều nhận thức được rằng bất kể bảo mật công nghệ cao như thế nào, họ vẫn có thể chịu rủi ro bị hacker tấn công. Chính vì lý do này mà CEX thường mua bảo hiểm cho các khoản giao dịch trên sàn. Phí bảo hiểm sẽ được thu bổ sung khi người dùng thực hiện một giao dịch. Ngược lại, người dùng có thể nhận được một khoản bồi thường nếu tài sản của họ bị thiệt hại khi hacker tấn công.
- Công cụ đầu tư: Một trong những công cụ thường được sử dụng nhất của sàn tập trung là biểu đồ giá của các loại tiền điện tử. Những biểu đồ này hoàn toàn miễn phí, có hỗ trợ vẽ các đường trong kỹ thuật phân tích như MA hay EMA, giúp nhà đầu tư có thể dễ dàng đưa ra quyết định mua hoặc bán.
Nhược điểm
- Ít lựa chọn: Trên hầu hết các sàn giao dịch tập trung, chỉ có khoảng 40 đến 50 loại tiền điện tử sẵn có để nhà đầu tư giao dịch. Đa số CEX thường quan tâm đến uy tín của mình, vì vậy một token muốn giao dịch trên sàn phải trải qua những giai đoạn kiểm tra rất nghiêm ngặt trước khi được niêm yết. Điều đó cũng khiến số lượng token trên CEX là tương đối ít so với DEX.
- Quy định nghiêm ngặt: Các sàn tập trung được cấp phép bởi chính phủ. Do đó, chúng đương nhiên phải tuân theo pháp luật hiện hành, mà KYC và AML là một trong số đó. Ngoài ra, chính phủ cũng có quyền yêu cầu truy xuất dữ liệu của sàn giao dịch nếu cần thiết. Những quy định nghiêm ngặt này là một trong những khó khăn để thu hút nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư thích sự riêng tư.
- Rủi ro phá sản: Đứng đằng sau các sàn tập trung cũng là công ty hoặc tập đoàn tư nhân. Do đó, họ vẫn có thể đang vay nợ và chịu rủi ro vỡ nợ. Mặc dù cho đến nay, chưa có CEX nào tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, nếu điều này xảy ra, nhà đầu tư sẽ có nguy cơ mất tiền.
Hướng dẫn giao dịch trên sàn Binance
Binance là một trong những sàn giao dịch lớn nhất thế giới với dung lượng giao dịch lên đến 7.700 tỷ USD trong năm 2021. Tuy nhiên, để giao dịch được trên Binance, người dùng cần phải thực hiện những bước sau đây:
Bước 1: Đăng ký tài khoản

Bạn cần truy cập vào https://www.binance.com/vi và ấn “Đăng ký” để tạo tài khoản Binance. Bạn có thể đăng ký bằng điện thoại, email, tài khoản Google hoặc Apple.
Bước 2: Xác minh tài khoản
Bạn nên hoàn thành Xác minh danh tính cho tài khoản Binance của minh để mở khóa giới hạn rút tiền gửi và fiat. Quá trình này thường chỉ mất vài phút, bao gồm xác minh các thông tin cơ bản, số CMND/CCCD và tải lên ảnh tự chụp chân dung của người dùng.
Bước 3: Gửi tiền điện tử vào ví sàn

Nếu bạn đã có sẵn tiền điện tử ở một ví khác, bạn có thể gửi chúng vào ví Binance của mình. Về cách gửi, bạn có thể tham khảo thêm tại mục các câu hỏi thường gặp theo đường link: https://www.binance.com/vi/support/faq
Nếu bạn không có sẵn tiền điện tử, bạn có thể mua trực tiếp trên sàn thông qua các hình thức như P2P hay mua bằng thẻ tín dụng.
Bước 4: Tiến hành giao dịch

Sau khi đã có tiền trong tài khoản, bước cuối cùng bạn cần làm là mua loại tiền điện tử mà bạn đang muốn đầu tư. Trong mục giao dịch Spot, bạn cần chọn cặp tiền điện tử mà bạn muốn giao dịch sau đó tiến hành đặt lệnh. Khi giá thị trường trùng khớp với giá lệnh đã đặt, bạn sẽ nhận được số tiền điện tử tương ứng. Chúc các bạn thành công!
Lưu ý: Để bảo vệ tài sản của mình, bạn không được cung cấp tài khoản/ mật khẩu Binance, khóa riêng tư hay mã 2FA của mình cho bất kỳ ai. Đội ngũ của Binance sẽ không bao giờ chủ động nhắn tin yêu cầu tiết lộ các thông tin tài khoản.
Join the Defi Learn community:
Website | Twitter | Tiktok | Youtube | Facebook