
Ngày 11 tháng 11 năm 2022 được đánh dấu bằng một sự kiện có thể coi là lớn nhất năm khi sàn tiền điện tử lớn thứ ba thế giới, FTX, nộp đơn xin phá sản sau hàng loạt drama “bổ phổi” giữa Sam Bankman-Fried (CEO của FTX) và Changpeng Zhao (CEO của Binance). Để bạn đọc có cái nhìn tổng quan hơn về sự kiện này, Defilearn sẽ sơ lược toàn cảnh về sự sụp đổ của FTX.
Nội dung bài viết
Sam Bankman-Fried là ai?
Sam Bankman-Fried, tên tiếng Việt là “Sam Xoăn” hay gọi tắt là SBF, là một tỷ phú tiền điện tử nổi tiếng sinh năm 1992, CEO của sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ ba thế giới FTX và quỹ đầu tư mạo hiểm Alameda Research. Với khởi đầu khiêm tốn là một giao dịch viên tại Alameda vào năm 2017, Sam Xoăn được coi là “thần tượng” trong mắt của nhiều bạn trẻ đang theo đuổi sự nghiệp crypto vì đã đạt được nhiều thành công khi tuổi còn khá trẻ.
Trước khi xảy ra khủng hoảng, tài sản ròng của SBF đạt đỉnh ở mức 26 tỷ đô la. Tuy nhiên, vào tháng 10, con số này đã giảm hơn một nửa, chỉ còn 10,5 tỷ đô la. Khi cuộc khủng hoảng của sàn FTX diễn ra, giá trị tài sản của SBF được cho là đã giảm 94% xuống dưới 1 tỷ đô la nhưng phải gánh trên vai khoản nợ lên ước tính lên đến 7 tỷ đô la theo thống kê của Bloomberg Billionaires.
Changpeng Zhao là ai?
Changpeng Zhao, hay CZ, là CEO của sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới Binance. CZ là một nhân vật có tầm ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng tiền điện tử, thậm chí được xem là “anh cả” của ngành. Chỉ riêng trong năm 2021, Binance đã thu về 20 tỷ đô la, lớn hơn doanh thu của 4 đối thủ cạnh tranh tiếp theo là Coinbase, FTX, Kraken và KuCoin cộng lại.
Theo Bloomberg Billionaires, tài sản ròng của CZ ước tính đạt đỉnh ở mức 95,9 tỷ đô la vào đầu năm 2022 trước khi giảm còn 33 tỷ USD do ảnh hưởng của mùa đông tiền điện tử, xếp hạng 30 trên bảng xếp hạng người giàu nhất thế giới tính đến tháng 10 năm 2022.
Sự hợp tác giữa Binance và FTX trong quá khứ
Mối quan hệ giữa CZ và SBF trong quá khứ cũng khá tốt đẹp khi Binance từng đầu tư vào FTX với số tiền 500 triệu đô la vào tháng 12 năm 2019. Theo đó, hai sàn giao dịch sẽ hợp tác với nhau để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái tiền điện tử.

Ngoài khoản đầu tư vào cổ phần FTX, Binance cũng cam kết nắm giữ lâu dài token FTT để hỗ trợ sự phát triển hệ sinh thái FTX. Ngược lại, FTX sẽ giúp Binance tăng tính thanh khoản và cung cấp các sản phẩm liên quan đến sàn giao dịch cũng như OTC. FTX cũng cam kết phát triển một loạt các sản phẩm để tạo điều kiện cho người dùng truy cập vào hệ sinh thái mã hóa và sẽ làm việc với Binance để phát triển chúng.
CEO của hai sàn giao dịch cũng không tiếc những lời có cánh dành cho đối tác. “FTX đã xây dựng một nền tảng giao dịch tiền điện tử sáng tạo với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc. Với xuất thân là những nhà giao dịch chuyên nghiệp, chúng tôi thấy khá rõ hình ảnh bản thân mình trong FTX và tin tưởng vào tiềm năng của họ trong việc trở thành một người chơi lớn trong thị trường phái sinh tiền điện tử”. CZ cho biết. “Chúng tôi rất vui khi có một đối tác xuất sắc tham gia vào hệ sinh thái Binance và hướng tới mục tiêu cùng nhau phát triển thị trường tiền điện tử”.
Sam Bankman-Fried bày tỏ quan điểm tích cực “Binance là một công ty dẫn đầu thị trường có sức mạnh tổng hợp mạnh mẽ với các nền tảng phái sinh và chúng tôi đánh giá cao khả năng dẫn đầu ngành công nghiệp toàn cầu của họ. Khoản đầu tư sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển của FTX với sự hỗ trợ và tư vấn chiến lược từ Binance trong khi FTX duy trì các hoạt động độc lập của mình.”
“Khẩu chiến” trên Twitter
Mối quan hệ giữa CZ và SBF từ lâu đã được đồn đoán là đang rạn nứt khi CZ cùng một số tên tuổi lớn trong ngành “nóng mắt” vì những hành động không đẹp của Sam Xoăn. Ngoài việc sử dụng tiền của người dùng nạp vào sàn FTX sai mục đích, SBF còn “chơi xấu” sau đó mua lại nhiều công ty như Blockfolio (8/2020), LedgerX (10/2021), Liquid Global (02/2022), Good Luck Games (03/2022) và Bitvo (06/2022). Ngoài ra, Sam cũng được hậu thuẫn tài chính từ Đảng Dân Chủ cũng như can thiệp khá sâu vào các dự luật, khiến việc tiếp cận thị trường của các công ty nước ngoài (bao gồm cả Binance) gặp rất nhiều khó khăn.

Theo báo cáo tài chính của FTX, tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của sàn này ước tính đạt 14,6 tỷ đô la. Tuy nhiên, thực tế sàn chỉ sở hữu 3,6 tỷ đô la dưới dạng token FTT. Dường như FTX đang đi vào “vết xe đổ” của Celcius, nền tảng chỉ vừa sụp đổ vài tháng trước.
Đến ngày 2 tháng 11, CoinDesk bất ngờ tung bằng chứng về lùm xùm tài chính của một dự án trong hệ sinh thái của FTX và Alameda Research. Chỉ vài ngày sau đó, CZ đã xác nhận trên Twitter: “Việc thanh lý token FTT của chúng tôi chỉ là cách quản lý rủi ro, rút kinh nghiệm từ LUNA” mở đầu cho việc thanh lý hơn 2 tỷ đô la cổ phần FTX và một cơ số token FTT mà Binance đang nắm giữ.
SBF lập tức đáp trả trên Twitter “Một số đối thủ cạnh tranh đang cố tình chơi xấu chúng tôi bằng những thông tin sai sự thật” và liên tục đưa ra các tweet nhằm trấn an khách hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích dần nghiên về quan điểm rằng FTX đã và đang âm thầm vỡ nợ từ trước do danh mục tài sản mà FTX nắm giữ không có nhiều số lượng các đồng stablecoin, fiat hay các loại tiền điện tử thanh khoản cao như Bitcoin hay Ethereum.
CZ cũng tỏ ra cứng rắn “Xét về mặt tài chính, không có bằng chứng rằng chúng tôi sẽ tấn công “một đối thủ cạnh tranh”. Chúng tôi chỉ muốn các công ty trong ngành phát triển cùng nhau”. Cuộc “khẩu chiến” trên mạng giữa hai “anh lớn” của ngành dường như sắp đi đến hồi kết!
Tại sao FTX lại gặp rắc rối?
Giống như nhiều sàn giao dịch khác, FTX đã phát hành token riêng của mình là FTT. Chủ sở hữu FTT có thể được giảm phí giao dịch trên FTX hoặc staking trên sàn để thu lợi nhuận. Việc FTX sử dụng FTT làm tài sản thế chấp quá mức cũng như thay thế các loại đồng tiền điện tử ổn định khác như fiat hay stablecoin đã khiến sàn giao dịch này cũng như Alameda Research phải đối mặt với sự bất ổn về giá của tiền điện tử. Trong bảng cân đối tài chính của Alameda Research, “khoản thế chấp FTT” là tài sản lớn thứ ba trị giá 2,16 tỷ đô la.
Để giải thích cho dễ hiểu, Defilearn sẽ lấy một ví dụ cụ thể. Giả sử bạn có một số token FTT trị giá 100 đô la và bạn nắm giữ FTT với lòng tin rằng token này sẽ tăng giá trong tương lai. Đột nhiên bạn cần phải xoay sở một số tiền, chẳng hạn như 50 đô la. Thay vì bán một nửa FTT đang sở hữu, bạn có thể đến một tổ chức tài chính để vay 50 đô la với tài sản thế chấp là token FTT. Tuy nhiên, tiền điện tử là một loại tài sản rất dễ biến động về giá. Khi số token FTT của rớt giá xuống còn 50 đô la, toàn bộ tài sản thế chấp của bạn sẽ bị thanh lý.
Theo CZ, các dự án tiền điện tử cần rút ra bài học từ sự sụp đổ của sàn FTX. Thứ nhất, không bao giờ sử dụng token của dự án làm tài sản thế chấp để huy động vốn. Thứ hai, không nên đi vay khi bạn đang điều hành một doanh nghiệp trong lĩnh vực tiền điện tử. Không nên sử dụng vốn một cách “hiệu quả” và luôn phải chuẩn bị một khoản dự phòng lớn. Ông cũng tuyên bố rằng Binance chưa bao giờ sử dụng BNB làm tài sản thế chấp và sàn tiền điện tử lớn nhất thế giới cũng chưa bao giờ phải gánh nợ.
Binance can thiệp vào FTX như thế nào?
Trước những diễn biến khó lường của drama SBF, CZ bất ngờ tung kế hoạch mua lại FTX.
“Chiều nay, FTX đã nhờ chúng tôi giúp đỡ. Sàn đã bị giảm thanh khoản đáng kể. Để bảo vệ người dùng, chúng tôi đã ký một LOI không ràng buộc, dự định mua lại toàn bộ FTX.com và giúp giải quyết vấn đề thanh khoản. Chúng tôi sẽ tiến hành DD đầy đủ trong những ngày tới”.
Rõ ràng, làn sóng rút tiền lo hoảng sợ của các nhà giao dịch sau “FUD” của FTX với hàng trăm triệu đô la được rút ra khỏi sàn trong hai ngày đã khiến mức độ thanh khoản của FTX bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đến ngày 10 tháng 11, phát ngôn viên của Binance đã xác nhận rằng thỏa thuận mua lại FTX đã không thể thực hiện. Trang web chính thức của sàn giao dịch này ngay lập tức “sập”. Dù hoạt động lại ngay sau đó, FTX đã khóa chức năng rút tiền của người dùng và yêu cầu người dùng không nạp tiền lên sàn.
Tại sao “thương vụ” mua lại FTX của Binance lại thất bại?
Nói về “thương vụ” FTX, Binance cho biết “Ban đầu, hi vọng của chúng tôi là có thể hỗ trợ FTX bằng cách cung cấp thanh khoản. Nhưng các vấn đề dường như nằm ngoài tầm kiểm soát và khả năng trợ giúp của chúng tôi”. CZ dĩ nhiên rất tinh quái và nhanh chóng nhận ra rằng đây không phải là “kèo thơm” khi Binance phải dính líu đến khoảng nợ chục tỷ đô la mà FTX đang mắc phải.

Tuy nhiên, có nhiều đồn đoán cho rằng Binance từ bỏ ý định mua lại FTX để tránh các rắc rối về pháp lý khi SBF ngay sau đó đã bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) tuyên bố điều tra vì có thể vi phạm luật chứng khoán. Cơ quan quản lý nước này cũng đã mở các cuộc điều tra về FTX, FTX US và Alameda Research của Sam Xoăn.
Ngoài ra, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ cũng đang xem xét tình hình. Một số tài sản và sản phẩm cho vay của FTX được đánh giá là chứng khoán theo luật của Hoa Kỳ, lẽ ra phải được đăng ký với SEC trước khi bán ra thị trường cho các nhà đầu tư. Nếu cáo buộc này là đúng, công ty có thể đã phạm pháp khi quản lý quỹ khách hàng không đúng cách.
Sự sụp đổ của FTX ảnh hưởng như thế nào đến thị trường tiền điện tử?
Ông bà ta có câu “Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”. Câu tục ngữ này hoàn toàn đúng trong trường hợp của FTX. Thị trường tiền điện tử đã và đang “thở oxy” trước hàng loạt sự kiện chấn động như Luna hay Celcius. Sự sụp đổ của FTX như gián một đòn chí mạng vào cả thị trường khi năm 2022 đang chuẩn bị khép lại.

Ngoài việc “xả hàng” FTT của sàn Binance, các nhà đầu tư khác cũng điên cuồng bán token FTT để thu hồi vốn, khiến giá trị của đồng coin này liên tục giảm mạnh từ hơn 25 đô la vào ngày 6 tháng 11 còn 2 đô la tại thời điểm bài viết này, tương đương với mức giảm khoảng 92%. Một top coin khác có “dấu răng” của SBF là Solana cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi giá trị của nó cũng giảm mạnh từ 38 đô la xuống mức 15 đô la. Có thời điểm SOL chỉ có giá trên 12 đô la và lọt khỏi top 10 đồng coin lớn nhất tính theo vốn hóa thị trường trên bảng xếp hạng của CoinMarketCap.
Các công ty “lỡ dại” cho FTX vay tiền cũng lâm vào nghịch cảnh vì rất khó để có thể đòi lại khoản nợ khổng lồ trên trong giai đoạn token FTT bị rớt giá trầm trọng. Mặc dù FTX có đề xuất một số hướng hoạt động sau khi đã tuyên bố phá sản nhưng khả năng thực hiện lại khá thấp. Phần đông các chuyên gia phân tích dự đoán kịch bản FTX phải thanh lý tài sản để bồi thường cho nhà đầu tư sẽ là khả thi hơn.
Thị trường tiền điện tử cũng không tránh khỏi kiếp nạn khi vừa “chớm xanh” thì đã phải quay trở lại “mùa đông crypto”. Các đồng coin top như Bitcoin, Ethereum hay BNB đã ghi nhận mức giảm tương ứng 21,03%, 23,09% và 20,18% trong 7 ngày gần đây. Các đồng coin khác đa số đều ghi nhận mức giảm trung bình từ 30% đến 40%. Thị trường crypto được đánh giá là phải mất một khoản thời gian dài mới có thể “hồi phục nội thương” sau cú đánh như trời giáng từ sự sụp đổ của FTX.
Join the Defi Learn community:
Website | Twitter | Tiktok | Youtube | Facebook